Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Nên giúp đỡ ông Bùi Khắc Kiên



Đang giúp đỡ nông dân Hưng Yên cứu lươn, tôi nhận được điện thoại của nhiều học trò báo tin ở huyện Thái Thụy – nơi tôi đã dạy học từ 42 năm về trước, có một người nông dân chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt tạo được điện cho 20 hộ dân sử dụng, cứ 1kg rác được 1,5kw điện, nhiệt độ trong lò khoảng 1600 – 2000o C và không hề còn than tro tồn đọng trong lò. Tôi vội vàng gọi điện tới phóng viên Minh Tú của báo Đất Việt, xin số điện thoại của ông Bùi Khắc Kiên để xuống học tập kinh nghiệm: làm sao có thể đốt được rác sinh hoạt tới mức không còn tro than? hoàn khí thế nào mà nhiệt độ lò lên tới trên 1600o C? Đặc biệt có thể đốt 1kg rác mà tạo được điện năng lớn tới 1,5kw vì trung bình 1 lò đốt rác chỉ thu được 0,5kw điện khi đốt 1kg rác, ngay ở Đức lò rất hiện đại cũng chỉ đạt 0,8kw. Giá thành 1kw điện của ông Kiên cung cấp cho các hộ dân xung quanh bằng 1/5 giá điện của EVN gần như chuyện Thánh Gióng vừa ăn cơm của làng xóm đưa tới đã lớn bổng.

Ảnh: Bên cạnh ông Kiên, Ông già Ozone cầm hai trong nhiều bóng đèn dây tóc nóng sáng bị nổ vỡ vì hiệu điện thế ở hai đầu cao hơn 300V trong vòng vài phút

Ông Kiên đã rất nhiệt tình mời tôi về, đấy là điều rất tốt vì tôi cũng chỉ muốn giúp ông hoàn thiện lại lò đốt rác bởi qua hình ảnh của VTV1, VTV2 thì lò của ông Kiên không thể đốt được rác để tạo ra năng lượng lớn tới mức cung cấp được cho nồi hơi chạy máy phát điện. Nhưng đấy cũng chỉ là hình ảnh đã qua ống kính của phóng viên Đài truyền hình. Tôi phải tận mắt nhìn thấy cái lò ấy, đặc biệt phải quan sát được quy trình đốt rác, chạy máy phát điện và truyền điện tới các hộ dân như thế nào. Để khách quan và nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cho việc giúp hoàn thiện lò đốt rác của ông Kiên sáng Chủ nhật ngày 20/7 tôi đã cùng nhiều cán bộ của tỉnh Thái Bình tới nhà ông Kiên. Với quan niệm quan xa không bằng nha gần tôi đã ghé vào UBND xã mời cả cán bộ của xã tới, những cán bộ của xã sẽ là người trực tiếp giúp đỡ ông Kiên.
Hôm đó, ông Kiên đi vắng, theo ông nói trên điện thoại thì từ sáng ông đã sang An Lão, tới xã Minh Đức để nhận nguyên vật liệu dựng một lò đốt rác mới dùng làm nguồn năng lượng cho máy phát điện của xã, nhưng vì tôi tới mà phía giao vật tư chưa có hàng giao cho ông, cho nên ông đã quay lại để gặp tôi. Chỉ trong vòng 20 phút giới thiệu, bất kỳ ai nghe cuộc trò chuyện của tôi với ông Kiên đều có thể thấy rằng kiến thức khoa học tự nhiên của ông rất thấp, không hiểu nổi nội năng, nhiệt năng, cơ năng, điện năng, không biết tới định luật bảo toàn khối lượng và năng lượng, hơn hết không hiểu được các thông số vật lý của các dụng cụ thiết bị đã được dùng để làm lò đốt rác và máy phát điện. Rất mừng rằng sau khi nói chuyện về khả năng chịu nhiệt của các vật liệu này ông Kiên đã cười nói với tôi rằng: lò đốt hơn hai giờ thì đã bị cháy cả lò.
 Sau đó, ông dẫn tôi lên gác xem những phần, bộ phận còn sót lại thì thấy có mấy bóng đèn bị vỡ vì hiệu điện thế ở đầu ra đã hơn 300V. Hai điều kiện trên là những điều tôi đã nói với các cán bộ tỉnh Thái Bình và người dân Thái Thụy trong khi chờ đợi ông Kiên về tới nhà.
Hôm nay, tôi trở lại thăm lò đốt rác ở Thị trấn Tiền Hải Thái Bình cùng với nhiều cán bộ của tỉnh Thái Bình. Khi cách lò vài mét, người đốt rác vừa đưa rác vào lò, ngọn lửa trong lò quá yếu, có thể thò tay vào trong lò được, nếu lúc đó phần sau của lò là nồi hơi để chạy máy phát điện thì chắc rằng máy phát điện không thể hoạt động được vì không có năng lượng của lò đốt rác cung cấp cho nó. Một lúc sau lửa trong lò đốt rác bùng lên trong khoảng vài phút sau đó ngọn lửa lại giảm dần, không có lửa hắt ra ngoài cửa lò cùng với khói. Vậy, giả sử lò đốt rác của ông Kiên ở Thái Giang có hoạt động đều đặn thì ngọn lửa trong lò cũng không thể đồng đều vì khối lượng nhiên liệu cung cấp không đồng đều và năng suất tỏa nhiệt của nhiên liệu đưa vào cũng không đồng đều – các chất khác nhau, sẽ có lúc lửa nhỏ nhiệt lượng tỏa ra ít, lò hơi cung cấp năng lượng cho máy phát điện không đủ để máy phát điện chạy hoặc có chạy thì tốc độ quay cũng là nhỏ, hiệu điện thế ở hai đầu ra không thể đạt được 220V, dòng điện sinh ra cũng rất yếu. Đôi lúc lửa cháy to, nhiệt lượng cung cấp lớn, áp suất nồi hơi lớn, tuarbin quay nhanh, hiệu điện thế hai đầu ra có thể rất lớn so với 220V, dòng điện sinh ra cũng có thể rất lớn. Đấy cũng là nguyên nhân khiến 3 lần cán bộ các cơ quan chuyên môn của Bộ KH&CN, và Sở KH&CN Thái Bình tới đo các thông số của hệ thống “lò đốt rác sinh điện” của ông Kiên đã phải ghi nhận: hai lần không phát điện, một lần phát được điện trong khoảng từ 2-3 phút. Còn một lúc nào đó ông Kiên cho hệ thống hoạt động ở nhà chứ không phải ở chợ Sặt thì các bóng điện nổ tung vì hiệu điện thế ở hai đầu dây tóc lớn hơn 300V – như lời ông Kiên nói và lò bị cháy sau hơn hai tiếng hoạt động.

 Lửa cháy trong lò đốt rác không bao giờ đều, ít nhất không có khói và lửa phụt ra từ cửa lò
Tiếc rằng nhiều bộ phận của hệ thống này đã không còn ở nhà ông Kiên để tôi quan sát và học tập. Nhưng, tôi có thể góp ý để ông Kiên hiểu được nguyên lý hoạt động, cấu tạo, thành phần, các thông số kỹ thuật của các bộ phận trong lò đốt rác thành điện – nhất là cái mà ông gọi là sứ thạch anh để dẫn khí trong lò thì không bao giờ có, ông gọi những cái ống xanh xanh bên cạnh rác cháy trong lò là như vậy. Tôi sẽ hướng dẫn ông hoàn khí để khói và lửa không thể bay ra từ cửa lò như của ông đã có mà ít nhất phải như lò đốt rác ở Tiền Hải là khói chỉ có thể bay lên cao. Từ đó cùng với nhiều nhà kỹ thuật, khoa học giúp ông Kiên hoàn thiện một cái lò mới đốt rơm rạ, trên toàn lãnh thổ Việt Nam ở rất nhiều vùng, ngay cả ngoại thành Hà Nội người ta đang phải đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, đốt một số loại rác đã được chọn lựa để lấy nhiệt lượng sấy thuốc lào, sấy hoa hòe, sưởi ấm cho gà vịt… Còn để tạo ra điện dùng trong nhà ông Kiên thì còn phải có sự tư vấn của rất nhiều nhà kỹ thuật, khoa học để ổn định được các thông số của nguồn điện mà có nguồn năng lượng cung cấp từ lò đốt rác. Sau đó sẽ mở rộng quy mô cho 20 hộ dân quanh nhà ông Kiên. Chúng ta thử tưởng tượng, buổi tối đèn dây tóc lúc thì sáng đỏ như con đom đóm, lúc thì sáng chói, lúc lại tắt ngấm thậm chí nổ cả bóng đèn. Còn các loại bóng đèn huỳnh quang chắc là tắt ngấm, thỉnh thoảng lóe lên rồi lại tắt, đặc biệt máy bơm nước chỉ rú lên vì hiệu điện thế ở đầu vào không đủ 220V. Đó là nguồn điện ông Kiên có thể cung cấp với trình độ kiến thức và trang thiết bị mà ông có thể tưởng tượng ra để dùng. Để tạo ra điện dân dụng không phải là dễ, nhất là ở thế kỷ 21 này lại còn phải an toàn điện nữa.
Trong lúc trò chuyện với ông Kiên, tôi có hỏi ông có biết tại sao lửa và khói từ lò tràn ra cửa lò không? Ông Kiên trả lời rằng đó là hơi nước. Tôi phân tích với ông hệ hoàn khí của ông đã thổi khí khiến cho lửa và khói tràn ra ngoài và khí này không trong lành như kết quả đo khí thải từ ống lò vì ông đã dùng rơm ướt để lọc khí. Cần phải nói thêm rằng, kết quả đo các thành phần hóa học của khói lò như niken, crom, thủy ngân, asen… đều thấp hơn tiêu chuẩn cho phép bởi vì nguyên liệu vào không hề có các chất ấy. Sau này tôi mới được người dân kể lại rằng ông đã dùng các gốc tre, luồng của người bán tre, luồng ở chợ Sặt làm nguyên liệu đốt. Nếu các gốc tre, gốc luồng cháy, khói được lọc qua rơm ướt thì làm sao lại có các kim loại nặng, độc hại kể trên? Ông Kiên còn nhấn mạnh với tôi rằng, lò của ông đốt có thể biến tất cả mọi thứ thành hơi, kể cả nước và các chất đioxin vì nhiệt độ lò rất cao có thể tới 2000o C mà trong đó ông đã phải dùng ống sứ thạch anh. Tôi đã phải bình tĩnh kể với ông rằng: Năm 1986, tôi đã dùng cặp nhiệt điện có ống thủy tinh thạch anh bọc ngoài để đo nhiệt độ lò gang đang nóng chảy còn lò trung tầng hoặc một số lò có nhiệt độ cao hơn thì tôi phải dùng hỏa kế quang học và máy đo nhiệt độ từ xa. Lò đốt của ông Kiên nếu dùng rác sinh hoạt, tre gỗ thì không thể cao hơn 950o C như tôi đã nói với phóng viên báo Đất Việt và trùng với kết quả đo trong báo cáo của Bộ KH&CN. Ấy là chưa kể trong sơ đồ lò đốt rác sau khi rác được cho vào lò sẽ rơi vào một cái hố hình chữ V, nếu rác ít thì rác có thể cháy nhưng nếu rác nhiều thì số rác đưa vào sau sẽ cháy trước làm số rác đưa vào trước ở phía dưới không có đủ oxi để cháy. Khi ấy nhiệt độ lò sẽ thấp và trong than sẽ còn cỏ cả rác chưa cháy như củ su hào thối, gốc cây cải… Điều này, ngược lại hoàn toàn với lời khẳng định của ông Kiên rằng tất cả mọi thứ vào đây đều bị cháy bay hết ra ngoài. Hôm nay, bên cạnh lò đốt rác của Thị trấn Tiền Hải, tất cả đều thấy một đống tro đầy đất cát, là do đất cát lẫn với rác bị đưa vào lò đốt. Ông Kiên đốt rác thải ở chợ Sặt, tại sao lại không có đất, cát bám vào nhỉ?

Ảnh: Bản thiết kế lò đốt rác thành điện của ông Đỗ Khắc Kiên

 Được ông Kiên cho tự do quan sát tất cả những gì còn lại của hệ thống này. Tôi giật mình vì các vật liệu đó không được phép dùng cho lò đốt có nhiệt độ cao. Cái lò có đường kính bằng một thùng phi 200 lít, cao bằng nửa nó làm sao mà cung cấp được đủ điện năng cho 20 hộ dùng để thắp sáng, xem ti vi, máy bơm nước, máy xay sát… Biên bản của Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình về thời gian hoạt động của máy phát điện cũng như thời gian lóe sáng của các bóng đèn là rất trùng khớp. Theo quy luật tự nhiên, hòn đá rơi tự do, phải rơi theo quỹ đạo thẳng từ trên xuống dưới với gia tốc 9,9m/s2 , còn rơi theo đường cong với gia tốc khác xa với kết quả trên thì không thể là rơi sự do. Lò đốt rác của ông Kiên cũng phải tuân theo các quy luật tự nhiên. Phải hoạt động liên tục vài năm chứ không thể chỉ trong thời gian ngắn như đã có. Nhiều người dân, cán bộ xã Thái Giang – Thái Thụy mừng vì không bị nổ bóng đèn điện do dòng điện chạy từ hệ thống của ông Kiên. Chính vì điều này, mặc dù Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đã giúp đỡ ông Kiên đăng ký dự thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật năm 2012 – 2013, mà công trình này của ông Kiên không đạt giải vì không đạt các điều kiện theo quy định của Hội thi.
Chiều hôm nay tôi còn phải xuống lắp đèn led cho các tàu biển, tàu đánh cá. Các học trò hơn 42 năm trước của tôi, con cái họ đang đợi những loại đèn mới này. Ngoài ra, tôi còn phải chuyển giao công nghệ miễn phí bảo quan con don, con vọp, con ngao, các loại tôm cá, phục tráng nước mắm tôm bạc. Đợi khi nào ông Kiên đồng ý giới thiệu lò đốt mới ở Hải Phòng, đứng bên các vật liệu thiết bị dùng cho vào đốt rác này tôi sẽ giúp ông, miễn phí hoàn toàn để có một lò đốt rác không thải ra khí độc, có thể tận dụng nhiệt lượng để sử dụng vào nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Tất nhiên tôi phải trả lời cho học sinh của của tôi về công trình của ông Kiên, lò đốt này không phải là phát minh, sáng chế hay giải pháp hữu ích gì vì nó đã bị cháy sau hơn hai giờ đồng hồ vận hành, trong thời gian ấy các bóng đèn dây tóc lúc sáng chỉ chợt lóe sáng và bị vỡ, khói từ lò sảy ra chưa được sử lý, nên giúp đỡ ông thực hiện mơ ước dùng nhiệt lượng của rác đã bị đốt để phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn, nhất là ở Thái Thụy.


Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Thơ Tình lính biển

THƠ TÌNH LÍNH BIỂN




Phần I: Tình biển





TRAI BIỂN

Bình minh lên ánh hồng sưởi đất
Tôi là người sớm nhất được soi
Tôi thở gió mặn mòi lộng mát
Nên tâm hồn khỏe khoắn thảnh thơi

Tôi thích hát suốt ngày ca hát
Bằng giọng vang và mắt ngời sao
Khi tung lưới đón đàn cá bạc
Khi muối ròn cào đống thêm cao

Lời tôi hát gió truyền theo sóng
Trai nuốt vào thành ngọc long lanh
Cá ùa lại làm trăng tan bóng
Nắng thêm hừng cho muối khô nhanh

Trai Thụy Anh hiền như cá đé
Tay cuộn bắp mang hình sóng bể
Ngực như buồm căng gió xa khơi
Tình quê như muối mặn muôn đời.

                                                      Thụy Hải,17/2/1969









CHẠY ĐUA

Chiều xuân tia nắng mới
Đọng óng bờ cát vàng
Còng gió rủ Dã tràng
Chạy đua quanh bãi cói.

                                                        Thụy Hồng, 23/3/1969











NÊN CHĂNG

Trời tây mây óng tơ tằm
Thuyền chờ gió đón nghiêng nằm bãi soi
Cánh mố lấp loáng chân trời
Thơm thơm khói rạ, chơi vơi cánh diều
Còng gió giương gọng hạt điều
Đuổi hoa chong chóng xuôi chiều gió khơi

Nên chăng gom hết ánh trời
Rắc vào mái tóc của người tôi yêu

                                                              Thụy Anh 30/8/1971
                                                          Tây Mỗ 1/10/1997










MONG THƯ EM

Đêm bão tuyết, nai mơ cỏ mật
Nứt chân chim, ruộng khát mưa rơi
Cháy lòng buồm ngắm gió khơi
Như ta mong mỏi thư người yêu xa

                                                            22/10/1980 WAM
                           (thơ bằng tiếng BaLan đăng trên báo RADA 02/05/1982)







NẾU KHÔNG

Không nước cá sống ở đâu
Không gió buồm rủ thuyền sầu biết bao
Không tình cay đắng ngọt ngào
Ai đem sức mạnh cho bao anh hùng

Đêm 20/12/1980 trên tàu Warszawa – Rzeszów
(Ngẫu hứng viết tặng các bạn sĩ quan BaLan vì họ nói mũ lính BaLan có bốn góc tượng trưng cho tôt quốc, gái đẹp, rượu và khiêu vũ sau đó được đăng trên báo văn nghệ RADA)

Sau khi báo văn nghệ RADA giới thiệu bài thơ này có hơn 600 người BaLan ở BaLan, Mỹ, Liên Xô,… gửi thư muốn trao đổi về văn học nghệ thuật với tác giả và tới thăm tác giả tại KTX của Học viện Kỹ thuật Quân sự Warszawa. Ngày 4/8/1981 tại khu nghỉ thuộc Augustow, hàng trăm học sinh sinh viên có bố mẹ phục vụ trong quân đội đã giao lưu một tối với tác giả về thơ tình và các bản tình ca của lính Việt Nam và lính BaLan.





NỖI NHỚ CHỐN XA KHƠI

Đên đi lộng, biển dạt dào sóng rỡn
Tưởng trưa hè nằm võng gốc hòe em
Trưa nắng lóa, kim cương cài tóc sóng
Nhớ muối ròn, cười trắng muốt răng em.

                                                     Biển Đông, 7/1969







NHỚ

Sóng rút đi bờ cát nhăn nếp nhỏ
Yêu mà xa ai chẳng đầy thương nhớ
Chẳng như buồm mong gió ra khơi
Vỗ mạn thuyền sóng hát không ngơi.

                                                   Tân Sơn, 11/1968








SAO LẠI THẾ

Có cả biển mênh mang kề cổng lớn
Sao ngày ngày thèn thẹn đến giếng em
Ngẩng tung lưới bao la mây gấm lượn
Chợt mong về nhìn hòe thắm vườn bên

                                                          Phố Hòe – Diêm Điền, 21/11/1968





HOA TẶNG EM

Hoa hồng trắng tặng em
Hé nở sớm xuân lên
Trải mưa phùn tối nhớ
Giận hờn gió bấc đêm

Tình yêu là nhựa đất
Cho thơm ngát làn hương
Thủy chung là sợi nắng
Soi cánh trắng đọng sương

                                                           Gio Linh 1972 – Hà Nội 1974




NGỦ TRONG MẮT EM

Đường trường ghé nghỉ Tam quan
Trời sâu, mây vắng nắng tràn nơi nơi
Thơm nồng thóc ướt đem phơi
Muôn hoa đua sắc đất trời thắm hơn
Phất cờ ngô bế bắp non
Gần xa tiếng máy mai hôm rộn ràng
Đẩy chèo ai hát nhặt khoan
Võng gai đu đẩy giữa hàng cây thưa
Mi em cong tựa tàu dừa
Quạt cho anh ngủ giữa trưa gió nồm

                                                             16/4/2000









Ở BIỂN

Mời bạn đến quê tôi
Nơi mênh mông nước nối chân trời
Cho tầm mắt đuổi theo gió lộng
Cho lòng ta cũng xanh như sóng
Dẫu nắng hun chẳng cạn, chẳng phai
Rất hiền hòa nên sẵn trào sôi
Rất trong ngần nên cuốn bùn hôi

Tôi trọn đời ở trên biển
Nên được mang trong lòng
Sóng xanh mát mênh mông
                            Ngẫu hứng đọc tặng nhà thơ Hoàng Trung Thông, Anh Thơ trên cồn cát Đồng Lương, 15/5/1970



CHỐT CỒN CÁT

Nơi bầu trời bao la như tầm mắt
Gió bốn mùa thơm mùi cá tôm phơi
Chuyền bóng trăng sóng reo chân cồn cát
Chốt chúng tôi sừng sững giữ biển trời
                                                                              4/2/1973



QUÊ NGOẠI


Quê ngoại tôi Tân Sơn
Nơi cửa sông những ngày nước lũ
Nước cuộn màu như chú bê non
Húc biển xanh đòi mẹ sữa thơm
Nơi mái cói không rào chắn gió
Như lòng dân đên ngày cởi mở
Bát canh don đĩa nhệch trao nhau
Và người người vui chuyện trầu cau
                                                                            Tân Sơn, 22/10/1968


Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Chưa giải thích rõ nguyên nhân gây vỡ đường ống dẫn nước sông Đà

Nguyễn Văn Khải
        Trong tuần trước rất nhiều người mang chai nhựa, xô, thùng đến nhà tôi không chỉ để xin nước phòng, chữa bệnh tay chân miệng, sởi, thủy đậu, á sừng, hôi mồm, nước ăn chân… mà còn lấy nước để sinh hoạt, ăn uống - do đường ống dẫn nước sông Đà cho bẩy mươi nghìn nghìn hộ dân vừa vỡ lần thứ tám, vừa được vá thì lại vỡ ở đoạn khác - lần thứ chín. Khi xây dựng nhà, tôi đã xây hai bể nước ngầm có thể tích rất lớn để làm mát nhà vào mùa hè và ấm nhà vào mùa đông, đồng thời dự trữ nước nếu bị mất nước dài ngày. Đầu xuân năm 2013 hệ thống cấp nước tư nhân cho một số gia đình ở trong hẻm 175/5/167/165 phố Định Công phải thay bằng nước sông Đà của một công ty nhà nước. Việc thay thế này khiến mọi gia đình phải dùng thêm máy bơm, tiền điện tăng mỗi tháng rất đáng kể và chín lần chịu khổ vì thiếu nước không báo trước ít nhất là một ngày. Riêng hai lần cuối thời gian mất nước quá dài, các thùng chứa đều cạn kiệt nên mọi người phải đến xin nước của nhà tôi, nhất là các hộ có các cháu từ xa về thi đại học, cao đẳng có người nhà đi theo.
Theo báo Việt Q:
Vinaconex phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống dẫn nước Sông Đà
        Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng cho rằng, nguyên nhân liên tục có các sự cố liên quan đến đường ống dẫn nước Sông Đà về Hà Nội xoay quanh chất lượng đường ống không đồng đều, qua việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như là đánh giá bằng cảm quan cho thấy bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống, đây là nguyên nhân sâu xa về mặt chất lượng đường ống.
Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng (ví dụ ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu một số tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh; một số dị vật lẫn trong lớp cát đệm xung quanh ống có thể tác động bất lợi vào thành ống)...
Còn theo báo Đất Việt:
Đường ống sông Đà: Công nghệ TQ nhưng quản lý kiểu Mỹ
         Chiều 15/7, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, nói về việc đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Vinaconex
"Máy móc là của Trung Quốc nhưng chúng tôi quản lý theo tiêu chuẩn của Mỹ", ông Hà nói. Theo đó, chất lượng ống chưa đồng đều. Quá trình vận chuyển, lắp đặt cũng gây tác động bất lợi tới khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến chất lượng ống.
        Ngoài ra, việc thi công xây dựng, vận hành Đại lộ Thăng Long cũng tác động lên chất lượng ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian.
        Trước hết chúng ta cần phải thấy rằng việc sử dụng máy móc Trung Quốc hay của Ba Lan, của Đức… để sản xuất ra sản phẩm được quản lý theo tiêu chuẩn của Mỹ thì chẳng có gì là mâu thuẫn cả. Ngày 2/8/2003 vào hồi 10h48’ Ths. Lưu Nguyễn Trà Giang mới 24 tuổi đã phát biểu trực tiếp trên đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh:” Chúng tôi đã mua công nghệ của Úc, Ấn Độ để bảo quản bưởi Năm Roi xuất khẩu nhưng không thành công, không ngờ nhận miễn phí cách bảo quản bưởi bằng nước ozon dương( tức anolyt) tạo từ máy của Việt Nam sản xuất lại xuất khẩu được ba container bưởi Năm Roi vào Mỹ”. Tức là bằng máy móc Việt Nam, quy trình công nghệ của Việt Nam chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Mỹ. Cũng hôm đó và nhiều hôm sau anh Tô Văn Hòa thông báo qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng: “Nhờ đọc báo Tiền Phong, anh đã mời được thầy Khải ozon vào Bình Thuận giúp dân đưa thanh long vượt biển sang Hà Lan”. Vậy đường ống vỡ hẳn rằng không phải vì dùng máy móc Trung Quốc mà không có sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Mỹ. Anh Mai Hữu Vinh - giám đốc công ty Thành Vinh đã từng nhận năm mươi triệu để làm ống cho một công ty ở Mai Động. Sau đó cùng họ sang Trung Quốc mua máy móc, vật liệu về để công ty này làm ống nước, còn công ty khác làm ống máng dẫn rác từ tầng cao xuống khu để rác. Đã hơn chục năm rồi ống để ngoài trời trải bao mưa nắng, bề dày vỏ không đồng đều nhưng ống vẫn chẳng bị bong thành nhiều lớp vì hỗn hợp bị lão hóa hay giãn nở nhiệt ở các vị trí là khác nhau. Và các ống dẫn nước ở các nơi được lắp do các công ty có anh Vinh làm cố vấn cũng chưa hề bị vỡ lần nào. Chúng ta có thể thấy nó qua bức ảnh tôi vừa chụp sáng nay:
clip_image002
clip_image004
       Nói ngắn gọn và dân dã thì cái mà đại diện Bộ Xây Dựng cũng như Tổng Giám đốc Vinaconex nói là “không đồng đều” thì là không đồng đều cái gì? Ta biết composite tạo nên ống được tạo bởi một số bột vô cơ( gọi là bột đá), keo và sợi thủy tinh. Trong quá trình làm, người ta phải phết bột đá và keo lên các tấm lưới thủy tinh. Vậy sự không đồng đều ở đây là độ dày ở các vị trí khác nhau? Hay là tỷ lệ keo và bột đá ở các vị trí khác nhau? Hay là lưới thủy tinh đặt không đồng đều? Kỹ thuật cuốn ống như thế nào? Có gì sai sót? Không thể nói rằng việc kiểm định ở cấp bộ lại có kết quả quá sơ sài như đại diện Bộ Xây dựng đã công bố. Hơn nữa Vinaconex nhận máy móc của Trung Quôc về để tạo ra các ống dẫn nước bằng composite. Quy trình công nghệ này của ai? Vật liệu của ai? Chúng được bảo quản trước khi đưa vào sản xuất như thế nào? Ai giám sát quá trình sản xuất? Ai kiểm tra chất lượng và kiểm tra như thế nào? Nhất là công trình này lại được giải thưởng khoa học công nghệ thì hội đồng xét duyệt là ai? Tiếc rằng hôm họp báo lại chỉ có các phóng viên và một phía toàn quân xanh nên tiền thuế của dân lại phải chi ra một nghìn tỷ để làm đường ống mới.
       Bộ Xây dựng phải trả lời từ góc nhìn khoa học đối với chất lượng kém của ống dẫn nước sông Đà. Chẳng nhẽ người của Bộ Xây dựng, người của Vinaconex không biết gì về composite mà lại đi nhập máy móc của Trung Quốc, mua nguyên vật liệu để làm ống dẫn nước sông Đà với lưu lượng rất lớn cho bẩy mươi nghìn hộ dân. Tôi và rất nhiều người sẽ kiên trì chờ đợi câu trả lời của Bộ Xây dựng. Từ năm 1995 Viện Khoa học Việt Nam đã tạo ra nhiều loại sản phẩm composite ứng dụng trong quốc phòng, giao thông, y tế, biogas, sinh hoạt… Tôi còn giữ ảnh chụp từ năm 1995 có Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tiến sĩ Khang và Thiếu tướng tư lệnh trưởng bộ đội biên phòng cầm tấm composite. Hiện nay rất nhiều vật dụng bằng composite đã được sử dụng kể cả làm vỏ máy bay - mà tôi đã thử chế tạo từ năm 1996 cho nên không chỉ có quan chức cao cấp có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư của Bộ xây dựng biết về composite đâu. Sau khi Bộ Xây dựng trả lời nghiêm túc khoa học, chúng tôi sẽ góp ý nhiều hơn.

N.V.K.

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Tiến sỹ cắt nghĩa hiện tượng “Hòa tàu ngầm”, “tiến sỹ giấy”

Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải bày tỏ sự ủng hộ với doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đang chế tạo tàu ngầm Trường Sa, đồng thời lý giải vì sao khoa học Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ”.

“Tôi phục anh Hòa”
        Tiến sỹ Vật lý Nguyễn Văn Khải, người có hai bằng sáng chế về ứng dụng vật lý vào thực tiễn cuộc sống và có hàng loạt những nghiên cứu phục vụ lợi ích con người, người nông dân. Đặc biệt, ông còn nghiên cứu ra loại nước Ozon trị dứt điểm bệnh chân tay miệng cho trẻ em. Từ đó có biệt danh ông già Ozon.
Trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt chiều ngày 18/2/2014, ông già Ozon đã bày tỏ quan điểm về nhân vật gây xôn xao báo chí thời gian gần đây: Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa.
         “Trên cương vị là một thầy giáo, một nhà vật lý, và là một người luôn tìm tòi cái mới cho mình và cộng đồng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều tiện nghi hơn, tôi hoan nghênh anh Hòa. Doanh nhân này dùng tiền của mình, kiến thức của mình cố gắng tạo ra tàu ngầm, đó là ý tưởng rất tốt, mục đích rất đẹp. Điều quan trọng là dù bị chê bai, dèm pha mà vẫn quyết tâm làm. Đó là điều khiến tôi phục anh Hòa.” – Tiến sĩ Khải bày tỏ.
Ông Nguyễn Quốc Hòa cùng công nhân của xưởng sản xuất thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa trong bể nước
Ông Nguyễn Quốc Hòa cùng công nhân của xưởng sản xuất thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa trong bể nước
           Theo quan điểm của tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, việc anh Hòa đang làm tuy không phải là sự kiện gì mới, vì trước đó đã có một kỹ sư hai lúa chế tạo máy bay, anh thợ xe cũng làm máy bay, và cũng đã có người chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam, chỉ là không dùng công nghệ AIP… Tuy nhiên, doanh nhân này đã mở ra một tư tưởng mới mà các nhà khoa học Việt Nam cần phải nhìn nhận.
          “Chúng ta nhiều khi đang có tư duy ai cũng biết thiên hạ đã làm rồi và họ làm tốt, vậy mình còn làm làm gì? Nhưng giờ anh Hòa làm lại thì đã sao? Theo tôi, có làm thì mới biết sai mà sửa, có sửa được thì mới là cái của mình, còn cả đời đi mua thì tiền tấn tiền núi cũng không đủ được” – ông Khải nhận định.
Nên coi tàu ngầm Trường Sa là công trình khoa học cấp bộ
           Tuy rất ủng hộ doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, nhưng tiến sĩ Khải cho rằng anh Hòa cũng nên biết nhìn nhận và nhờ cậy đến sự giúp đỡ từ những người khác để con tàu có thể sớm thành công và tránh những rủi ro không đáng có.
        “Anh Hòa này cần phải có nhiều người hợp tác và phải là những người có kinh nghiệm, kiến thức trong việc chế tạo tàu, kể cả là tàu nổi, hoặc phải có sự tham gia của những người đã sử dụng tàu ngầm… Về tự động hóa cũng cần phải có sự tư vấ của kỹ sư quang điện, kỹ thuật điện…”
        Còn về việc doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa có thành công hay không, tiến sỹ Khải cho biết: “Để thành công còn phải phụ thuộc vào ba yếu tố. Thứ nhất, hướng nghiên cứu chế tạo có đúng hay không? Thứ hai, có đủ tiềm lực tài chính để đi đến đích hay không? Thứ ba, nhận được sự ủng hộ như thế nào?”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải chia sẻ cách cứu cây hồ tiêu cho người dân Chư Sê (Đăk Lăk)
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải chia sẻ cách cứu cây hồ tiêu cho người dân Chư Sê (Gia Lai)
       “Về vấn đề sự ủng hộ, có thể thấy người dân Việt Nam đại đa số đang mong chờ vào sự thành công của tàu ngầm Trường Sa, đó là một sự khích lệ động viên tinh thần rất lớn, rất đáng quý. Tuy nhiên, anh Hòa sẽ cần nhiều hơn thế. Đặc biệt là sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ phía chính quyền, nhà nước, các bộ ngành khoa học, đặc biệt là Bộ Khoa học Công nghệ. Với những thành tựu đến thời điểm này, và kết hợp với sự giúp đỡ từ các kỹ sư, nhà nghiên cứu có kiến thức kinh nghiệm khác, tôi tin anh Hòa sẽ làm được.” – ông Khải nhận định.
         “Giá mà anh Hòa là nhà khoa học, và tàu ngầm của anh được xét vào đề tài khoa học cấp Bộ, với tâm huyết của anh, chắc chúng ta sẽ có nhiều hi vọng hơn”. – Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải tỏ ra tiếc nuối.
Vì sao khoa học Việt Nam dậm chân tại chỗ
          Cũng nhân nói về tàu ngầm Trường Sa của một doanh nhân dám nghĩ dám làm, tiến sỹ Nguyễn Văn Khải cũng bắt mạch điểm yếu kém của nền khoa học Việt Nam.
          “Tôi không hiểu từ bao giờ một số nhà khoa học, đầy đủ học hàm học vị của Việt Nam lại mang trong mình lối tư duy trì trệ mà tự kháo lên rằng đang đi tắt đón đầu? Trước đây, năm 1980, khi nước ta còn đói khổ đủ đường, tôi và các cộng sự của 6 đơn vị gồm có hai Bộ, trường Đại học Bách Khoa… đã nghiên cứu thành công việc nuôi tinh thể để làm đầu thu tia phóng xạ, tia lade, phục vụ trong công nghệ vũ trụ và tên lửa.
         Ngày đó, chúng tôi thành công vì chúng tôi đoàn kết, chúng tôi làm khoa học vị nhân sinh. Còn bây giờ, sau hàng chục năm chúng ta gần như dậm chân tại chỗ vì có sư thiếu đoàn kết, rèm pha lẫn nhau. Đề tài thì chỉ mong kiếm được cái nào cấp càng cao càng tốt, thời gian càng lâu càng tốt, kinh phí rót càng nhiều càng mừng”. – Tiến sĩ Khải nói thẳng.
Ô tô điện điều khiển bằng smartphone, một tiến bộ của nền công nghiệp Campuchia
Ô tô điện điều khiển bằng smartphone, một tiến bộ của nền công nghiệp Campuchia
         Tiến sĩ Khải phân tích thêm: “Cũng với lối tư duy này mà nhiều khi ta đang bị lầm tưởng. Ta mua công nghệ của người khác, của nước ngoài để mang về biến thành của mình một cách chắp vá, không bằng một phần của người ta và gọi đó là đi tắt đón đầu. Ta liên kết liên doanh rồi khoe rằng ta đã sản xuất được, bán được nhiều sản phẩm, nhưng thực chất đấy là công nghệ nước bạn mang sang.”
         “Gần đây, nước bạn Campuchia đã sản xuất được ô tô điện điều khiển bằng điện thoại thông minh, giá thành rẻ, nhiều tiện ích, thân thiện với môi trường... Ngẫm lại nước mình, từ những năm 1980 đến nay, ngành công nghiệp ô tô, ngành công nghiệp điện tử… chúng ta đã có được những gì?”
         Tiến sĩ Khải kể một câu chuyện ngay trong dịp Tết rồi thở dài: “Chiều ngày 10 Tết (ngày 9/2/2014) tôi vào tới Chư Sê, Gia Lai để giúp bà con cứu hồ tiêu. Biết có “nhà khoa học” đến giúp, hàng trăm người nông dân đã tập trung từ rất sớm để nghe phương pháp cứu cây, cũng là cứu lấy cuộc sống, sản nghiệp của bao nhiêu con người gia đình họ. Khó khăn, vất vả, thiếu kiến thức, thiếu sự chăm lo. Trong khi đó, còn bao nhiêu người đầy đủ, thậm chí có quyền có thế, họ đáng lo hơn nhiều.”

"ông già ozone": nhân vụ giàn khoan kể chuyện lá đơn bằng máu

"Ông già ozone" Nguyễn Văn Khải chia sẻ, đến lá đơn thứ 9 cộng với quyết tâm của cá nhân, cấp trên đã đồng ý để ông nhập ngũ phục vụ Tổ quốc...

      Trong câu chuyện với chúng tôi "ông già ozone", TS Nguyễn Văn Khải cho biết, hàng ngày ông vẫn cập nhật liên tục những thông tin mới nhất về các hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
       "Tôi đi đến nhiều nơi, thấy bà con nhân dân ai cũng rất bức xúc, phẫn nộ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cũng như huy động rất nhiều tàu, máy bay hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
        Những hành động của Trung Quốc đó là sự xâm phạm có mục đích, có tính toán rất kỹ càng, thể hiện mưu đồ bành trướng, đòi làm chủ Biển Đông.
        Ngay mới đây thôi, khi tôi về Thái Bình, bà con ngư dân ở đây cũng đã chia sẻ với tôi rất nhiều điều. Nhân dân nói chung, bà con ngư dân nói riêng đều yêu hòa bình, mong muốn được làm ăn yên ổn nhưng khi Tổ quốc cần thì bà con luôn sẵn sàng ra khơi để giữ biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc.
      Có một cựu chiến binh giờ đang là một chủ thuyền đánh cá ở Tiền Hải còn nhấn mạnh rằng, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì ngư dân như ông vẫn sẽ quyết tâm đồng hành cùng lực lượng chức năng ra khơi giữ biển. Bởi đó không chỉ là nguồn sống của ngư dân mà đó là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, dân tộc, phải giữ cho bằng được", "ông già ozone" Khải chia sẻ.
TS Nguyễn Văn Khải và ngư dân vùng biển Thái Bình.
TS Nguyễn Văn Khải và ngư dân vùng biển Thái Bình.
        Nhớ lại những năm tháng gian khổ nhưng rất hào hùng, khi là một thành viên trong đoàn quân ra trận đánh Mỹ, "ông già ozone" Nguyễn Văn Khải đã không khỏi xúc động, kể lại câu chuyện về chính ông với 9 lần viết quyết tâm thư xung phong ra trận.
      "Những năm 1970, sau khi học xong đại học thì trường sư phạm muốn giữ tôi lại ở trường giảng dạy nhưng tôi đề nghị là hãy cho tôi về một nơi nào đó còn khó khăn để tôi giảng dạy, giúp đỡ cho học sinh ở đó học tập tiến bộ hơn. 
        Sau đó, tôi được phân công về Thái Bình. Khi đồng chí lãnh đạo Ty Giáo dục Thái Bình lúc bấy giờ hỏi tôi là muốn về đâu thì tôi trình bày, cứ ở đâu còn khó khăn, còn bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá thì cho tôi về đấy. Theo nguyện vọng của tôi, cấp trên cho tôi về trường cấp 3 Đông Thụy Anh, một trong những trường khó khăn nhất của tỉnh lúc bấy giờ.
        Tuy khó khăn lại thường xuyên bị máy bay Mỹ quần thảo, ném bom phá hoại, thậm chí có những em thiệt mạng vì bom đạn Mỹ khi đi học nhưng các em học sinh ở đây đều rất chăm ngoan, chịu khó, mong muốn học thật giỏi để tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
        Về giảng dạy một thời gian, chứng kiến máy bay Mỹ quần thảo ném bom rồi tận mắt phải thấy cảnh người dân, học sinh thiệt mạng vì bom đạn đã khiến tôi quyết tâm xung phong tham gia bảo vệ Tổ quốc.
      Thời điểm bấy giờ, tôi viết liên tục 8 lá đơn xin nhập ngũ gửi lên trên nhưng các anh ở Ty Giáo dục tỉnh Thái Bình đều không đồng ý. Các anh bảo tôi đã xung phong về đây và đang tham gia giảng dạy cho học sinh ở 2 trường nên không thể để mất người thầy giáo tốt như thế.
      Với ý chí, quyết tâm của mình, tôi đã viết lá đơn thứ 9 và mang trực tiếp lên gặp anh Bùi Thọ Tư, lúc đó là Phó chỉ huy quân sự tỉnh đội Thái Bình. Sau khi nhận đơn, thấy được quyết tâm của tôi, anh đã đồng ý cho tôi nhập ngũ cùng với 400 học sinh khóa 1971 - 1974 của trường cấp 3 Đông Thụy Anh.
        Thực tế lúc đó, trường hợp như tôi cũng khá ít. Nhưng khi viết đơn, tôi chỉ nghĩ tôi là thầy giáo, trước cảnh đất nước bị chia cắt, nhân dân phải chịu cảnh đau khổ, khi lên bục giảng, giảng cho học sinh về tinh thần yêu nước và rất nhiều em không sợ hy sinh cũng đã ra trận mà mình không ra trận thì không thể được.
       Lúc đầu khi vào quân đội, tôi được điều vào E48, F320. Nhưng một đồng chí trong đoàn anh hùng chiến sỹ thi đua miền Nam ra thăm Bác Hồ, sau khi nghe tôi hát đã đề nghị đơn vị cho tôi về lại hậu phương.
       Đơn vị định điều tôi về E51 để phụ trách văn nghệ, tuyên huấn, viết báo nhưng tôi đề nghị được ra chiến đấu chứ không về đó. Sau đấy, đơn vị xem xét quyết định cho tôi về tiểu đoàn, rồi xuống làm tiểu đội trưởng và đi B...
         Quãng thời gian đi B có lẽ là những năm tháng gian khổ, khó khăn nhưng hào hùng, anh dũng nhất mà cả đời tôi sẽ không bao giờ quên được. 
         Mọi người cùng đồng tâm, đồng lòng, chung ý chí, dù có hy sinh cũng phải đuổi bằng được đế quốc Mỹ, diệt Ngụy để giải phóng, thống nhất đất nước...", TS Khải hồi tưởng.
Lệnh gọi nhập ngũ của chiến sỹ Nguyễn Văn Khải.
Lệnh gọi nhập ngũ của chàng thanh niên Nguyễn Văn Khải.
        Một câu chuyện mà không ít người biết, đó là "ông già ozon" Nguyễn Văn Khải cũng chính là 1 trong 90 chiến sỹ ký vào lá đơn viết bằng máu để quyết tâm đánh cao điểm Tân Lâm (Quảng Trị) bắt sống 1 trung đoàn 56 của địch. Và hiện lá đơn đó đã được ông tặng lại cho Thiếu tướng, anh hùng Lê Mã Lương cất giữ.
          "Ông già ozone" Nguyễn Văn Khải cũng bày tỏ, thế hệ trẻ ngày nay, tuy vẫn còn một số điều phải phàn nàn nhưng qua câu chuyện về những hành động ngang ngược của Trung Quốc có thể thấy học sinh, sinh viên không hề thờ ơ mà nhận thức rất rõ tình hình của đất nước...
          "Tôi tin vào sức mạnh, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay. Hình ảnh các em học sinh mặc áo cờ đỏ sao vàng xếp thành hình Tổ quốc với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hát vang bài Quốc ca đã khiến tôi vô cùng xúc động... Thế hệ chúng tôi đã gian khổ, anh dũng chiến đấu để giải phóng, thống nhất đất nước thì chắc chắn, thế hệ ngày nay sẽ đảm đương tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ.
           Nhiều người cũng hỏi tôi, nếu giờ đây, khi con, cháu tôi có ý định xung phong bảo vệ Tổ quốc khi đất nước, nhân dân cần thì tôi sẽ có thái độ thế nào? Tôi chỉ muốn nói thế này, gia đình tôi là một gia đình cách mạng. Bố tôi, anh em chúng tôi đã cống hiến cho cách mạng, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thì giờ đây, các con, cháu tôi sẽ tiếp nối truyền thống đó của gia đình, của dân tộc Việt Nam anh hùng.
        Còn cá nhân tôi cũng mong muốn, thế hệ trẻ hãy ra sức học tập, sáng tạo. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước trong thời gian tới cũng nên có những chính sách, tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân được sáng tạo ra những sản phẩm có ích cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc như việc chế tạo, đưa vào thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa vừa qua chẳng hạn...", "ông già ozone" Nguyễn Văn Khải nói.

Ghi vội sau khi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội

Nguyễn Văn Khải (Ông già Ôzôn)
Họ đi biểu tình chống quân xâm lược cũng vì anh đấy
Hôm nay tôi lại đi biểu tình chống giặc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông. Khoảng 10g, tôi và một số người đi hàng đầu đưa đoàn biểu tình từ vườn hoa Canh Nông dọc theo đường Điện Biên Phủ - Cột cờ cũ tiến về Cửa Nam. Cảnh sát giao thông, cảnh sát phường và dân phòng dẹp đường để đoàn người đi dọc nửa lòng đường. Tới Cửa Nam, mấy người mặc quần áo dân phòng chỉ đường cho đoàn biểu tình tiến về cuối phố Tràng Thi. Mấy thanh niên cầm khẩu hiệu: “Đồng hành cùng Đảng và chính phủ…” gọi mọi người đi theo hướng ấy. Ngay lập tức luật sư Trần Vũ Hải chỉ tay về phía Hàng Bông, tôi hiểu ý rẽ trái thế là cả dòng người cuộn theo. Đường tắc nghẽn. Tôi hô vang bằng loa: “Hoan hô cảnh sát biển Việt Nam đã dũng cảm bảo về lãnh hải tổ quốc.” Hàng trăm tiếng hô vang theo. Khi tôi hô lần thứ hai rất nhiều người đi đường cũng hô theo. Tôi thấy nét mặt của mấy cảnh sát giao thông tươi hẳn lên.
Nhớ ngày mùng 14/8/2011, khi vợ đèo tới ngã tư Bà Triệu - Hàng Khay, xe máy chưa đỗ hẳn tôi đã nhảy xuống bắt tay bác Nguyên Ngọc. Bác là người đã viết Đất nước đứng lên. Theo cách anh hùng Núp bắn thử xem thằng Tây có chảy máu hay không để kêu gọi bản làng chống Pháp giành độc lập tự do, tôi cũng tự mình làm hàng trăm thí nghiệm ở nhiều lĩnh vực để giúp dân thành công. Dù bác không dạy tôi ngày nào, song đối với tôi, đó là người thầy, người anh. Gặp được bác trong cuộc đấu tranh này tôi càng thêm dũng khí. Các phóng viên ùa lại chụp ảnh tôi đứng giữa bác Nguyên Ngọc và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Trong số đó có cả phóng viên nam hãng AFP. Ngày 10/8/2005, anh đã lên tận Lạng Sơn quay cảnh tôi giúp bà con bảo quản na Đồng Bành và hồng Bảo Lâm (sau đó phần tin này được phát lại trên 225 đài truyền hình trên thế giới, trong đó có Trung Quốc). Do phải đứng ở dưới đường chụp ảnh chúng tôi, một số người (nhất là các bạn trẻ Việt Nam) đã làm cản trở giao thông. Một trung tá cảnh sát giao thông nặng lời xua đuổi những người bạn trẻ ấy. Tôi tới vỗ vai anh cảnh sát này: “Họ đi biểu tình là để bảo vệ đất nước, bảo vệ hạnh phúc cho mọi người Việt Nam trong đó có cả anh đấy. Tôi thường xuyên sang Trung Quốc làm việc, loại cảnh sát bên đấy làm việc như anh bây giờ chỉ cấp binh nhất binh nhì thôi”. Anh ta nhìn tôi rồi lặng lẽ lên xe phóng đi.
image
 image
Ảnh: Vietnamnet
Vô văn hóa vì chống ngoại xâm theo chỉ thị
Tối hôm qua (10/5), mãi tới khuya tôi mới thấy trên mạng hình ảnh của 2000 trí thức dự buổi phát động “Hi sinh vì tổ quốc” do Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trong số các ảnh chụp tôi thấy có những người đọc báo, có những người nói chuyện riêng, có người há hốc mồm lên cười, có người ngủ gật.
Sáng nay, khoảng 9 rưỡi, trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc, trong đám mấy thanh niên cầm cờ búa liềm, cờ sao vàng, khẩu hiệu “Cùng đồng hành với Đảng và chính phủ”, có người hô lớn đến lạc cả giọng: “Toàn dân đồng hành cùng Đảng và chính phủ quyết hi sinh để bảo vệ đất nước”. Đáp lại lời hô ấy chỉ là những tiếng la ó ồn ào vì những người trong nhóm của người ấy không biết hô theo thế nào. Khi quay lại thấy tôi anh ta giơ tay bắt tay chào tôi: “Cháu chào bác Ôzôn.” Bên cạnh tôi là nhà văn Vũ Ngọc Tiến, bác Nguyễn Hữu Mai nên tôi cũng đưa tay nắm chặt tay anh ta và nói to cho anh ta và mọi người nghe: “Bác biết chắc rằng từ năm 900 không phải tất cả người Việt Nam nào cũng tham gia đánh giặc mà có nhiều kẻ sợ giặc, thậm chí làm tay sai cho giặc, nên chỉ có những người Việt Nam yêu nước mới dám đánh giặc cháu nhé. Nước ta có 90 triệu dân nếu ai đi đánh giặc cũng quyết chết thì lấy ai xây dựng đất nước ta tươi đẹp hơn khi đã thắng giặc. Chỉ có những kẻ đánh giặc mồm trong xó bếp mới hô toáng lên như vậy. Thế hệ bố của bác, thế hệ của bác đi đánh giặc phải tìm cách sao cho sống để còn nuôi vợ con hạnh phúc hơn sau khi chiến thắng”. Rất nhiều người hưởng ứng, tán thưởng lời khuyên của tôi nhất là những bậc cao niên như bác Tiến, bác Mai.
Khi đoàn tuần hành bắt đầu rời vườn hoa Canh Nông có mấy nhóm thanh niên cầm khẩu hiệu cứ tranh nhau vượt lên trước. Tới gần Bờ Hồ, mọi người đi chậm lại, tôi vẫy gọi: “Các cháu gái lên hàng đầu”. Nhiều cháu gái cầm khẩu hiệu, lách qua mọi người vừa lên hàng đầu thì mấy thanh niên khác lại cầm khẩu hiệu chạy lên trước họ. Một bác tóc đã bạc (mà tôi nhớ là ngày 7/8/2011, khi đi biểu tình quanh Hồ Gươm đã cho tôi xem thẻ thương binh của mình và hình như bác về hưu với quân hàm thượng tá) cười chua chát: “Lũ vô văn hóa nhảy lên đầu để được chụp ảnh vì đi biểu tình theo chỉ thị”.

N. V. K.