- Ngày 28.6.2011, tôi đã nhận được dự thảo thứ sáu của danh mục thiết bị học môn vật lý – trường THPT chuyên. Tên thiết bị trong danh mục này có khác với trong danh mục dự thảo lần thứ ba và dự thảo lần thứ tư. Nhìn chung, cả 3 danh mục tôi có đều thể hiện rằng: Những người soạn thảo ra chúng bị hổng kiến thức vật lý phổ thông và đại học quá nhiều, thậm chí còn không có kiến thức về rất nhiều vấn đề, đặc biệt là không có khả năng thực hành, không làm thí nghiệm để kiểm chứng những dụng cụ thiết bị mà họ đề ra cho các nhà sản xuất chế tạo, cho giáo viên và học sinh thực hành.
Ông có thể nêu dẫn chứng cụ thể?
- Mục 1.2.4: Cảm biến chuyển động quay - Trong từ điển vật lý và trong cuộc sống không hề có loại cảm biến này. Tra trên mạng điện tử đều không thể tìm thấy, trong các SGK, tham khảo về vật lý thì càng không có.
Mục 1.2.12: Cảm biến ánh sáng – cái - dùng để đo cường độ ánh sáng - có thang đo: Tối thiểu 0 – 15kLux và 0-130kLux, độ chính xác +- 4%. Đơn vị đo của cường độ sáng là Cansdenla viết tắt là Cd, chứ không phải là Lux - đơn vị của độ rọi sáng.
Thang đo kể trên là của một loại máy đo độ rọi sáng với khoảng đo nhỏ, tiếng Anh gọi là Luxmeter chứ không phải là thông số của cảm biến ánh sáng có tên gọi bằng tiếng Anh là Photosense hoặc Photodetector gồm quang trở và Photodiode. Trong chương trình vật lý phổ thông chỉ học về quang trở. Không nêu các thông số quang điện của quang trở có yêu cầu gì là sai.
Mục 1.2.10: Cảm biến dòng điện - cái - dùng để đo cường độ dòng điện xoay chiều và một chiều - có 2 thang đo cường độ dòng điện +-1A và +- 0,3A, độ chính xác +-2%. Thật kỳ lạ, trong SGK phổ thông đã có ampe kế khung quay để đo cường độ dòng điện 1 chiều và ampe kế sắt quay để đo cường độ dòng điện xoay chiều. Và ở lớp 7 đã giới thiệu đồng hồ vạn năng hiện số có thể đo được cả hiệu điện thế lẫn cường độ dòng điện xoay chiều lẫn 1 chiều, chỉ có điều là dòng điện không quá 200mA để đảm bảo an toàn cho người dùng. Làm gì có khái niệm cảm biến dòng điện. Hơn nữa, việc ghi thang đo cường độ dòng điện +-1A lại càng không thể có trong bất kỳ sách vật lý nào, cũng như sách về thiết bị điện nào.
4.Máy phát âm tần - cái - dùng để phát tín hiệu hình sin, vuông và răng cưa - thang đo tối thiểu 0,5Hz đến 3MHz. Điện áp nguồn 220V-50Hz. Trong SGK vật lý lớp 12 dòng 6 trang 51 đã ghi rõ, từ 16Hz đến 20.000Hz (tức 0,2MHz) là âm tần, thì tại sao các chuyên gia của Bộ GDĐT lại gọi âm thanh có tần số 3MHz là âm tần. Đặc biệt, đề mục xác định nhiệt hóa rắn và hiệu suất pin mặt trời không hề ghi dụng cụ đo cần nhiệt kế, thiết bị đo công suất, hiệu điện thế, cường độ dòng điện, độ rọi sáng thì làm sao đo được 2 đại lượng đã kể trên. Nếu ai làm được thí nghiệm này với các thiết bị đã nêu trong danh mục tôi xin kính tặng tất cả nhà cửa, vườn, các đồ thí nghiệm và đặc biệt là hàng chục ngàn quyển sách để bày tỏ sự ngưỡng mộ tài nghệ làm thí nghiệm không cần dụng cụ mà thành công.
Ông từng cho rằng, nếu biết sử dụng chuyên gia giỏi thì việc soạn SGK sẽ tiết kiệm được rất nhiều?
- Chỉ riêng môn vật lý, ví dụ sách lớp 6 gồm SGK và sách bài tập, nếu nghiên cứu biên soạn, chắc chắn không quá 500 triệu đồng. Thử so sánh: Đề án mới dành 962 tỉ đồng biên soạn, chia cho 240 đầu sách thì mỗi cuốn sách mất 4 tỉ đồng. Với cuốn bài tập vật lý lớp 6, lớp 7 dày 50 trang thì mỗi trang chi phí 100 triệu đồng. Chưa kể cách biên soạn cho học sinh làm bài ngay trên sách, nên dùng rồi thì phải vứt đi, năm nào cũng in lại tạo ra lãng phí vô cùng lớn.
Nhưng có ý kiến phải bổ sung kiến thức mới nên phải in sách mới, thưa ông?
- Kiến thức vật lý từ năm 1970 đến nay không có gì mới hơn. Nếu có thì ở lĩnh vực khoa học vũ trụ và công nghệ cao, đó là kiến thức dành cho đại học và sau đại học. Tôi có con du học ở Singapore nên tôi có hai bộ sách vật lý. Họ xuất bản năm 1995, tái bản năm 2000 và 2007, đến năm 2010, đứa cháu tôi đi học cũng cuốn sách ấy. Có cuốn qua tay 4 người đi học vẫn cứ sử dụng bình thường.
- Xin cảm ơn ông!
 Lê Thanh Phong thực hiện

Học sinh chuyên lý trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông đang làm thí nghiệm về pin nhiệt điện với thầy Khải