Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

THẾ MỚI LÀ THẦY.

                                                              _Nguyễn Văn Khải - Ông già Ozone_
   Chạng vạng tối tôi đang đi nhốt gà, có điện thoại cố định reo. Tưởng vợ ở viện gọi về sai bảo gì đó, tôi vội chạy vào nhà nhấc máy. Hóa ra là Gs. Nguyễn Xuân Hãn hỏi về phản biện cải cách giáo dục. Ông rất vui mừng cho rằng : " Dù chúng tôi không được đền bù một đồng nào cho việc góp ý để chấn hưng giáo dục Việt Nam trong vòng hai chục năm nhưng đã làm cho bộ Giáo dục phải hạn chế chi tiêu 70 ngàn tỉ xuống còn hơn 700 tỉ đã là thắng lợi lớn rồi." Ông Hãn dằn giọng nói: " Hãy xem các nước người ta làm như thế nào, soạn sách như thế nào, dạy học như thế nào để mà làm theo. Có khó gì đâu mà không làm được."
   Tôi cười khề khề kể cho ông chuyện đầu năm 2001 mình đã gọi điện đến dự án trung học cơ sở, báo cho họ rằng ở nhà tôi có rất nhiều sách giáo khoa Vật lý nước ngoài mới in năm 1999 và 2000, nếu ai muốn tham khảo tôi sẵn sàng cho mượn. Người đại diện cho nhóm biên soạn sách giáo khoa Vật lý THCS trả lời : "Đấy là kiến thức cơ bản, đã là  giáo viên thì ai cũng biết, chẳng dại gì mất thì giờ đi tham khảo "
   Giáo sư Hãn cười phá lên: "Anh muốn làm cái gì phải xem người ta làm như thế nào để học hỏi, rút kinh nghiệm để làm được ít nhất bằng họ, sau đó vượt họ. Đấy không phải là câu trả lời của người làm khoa học. Vứt! Vứt! Nên sách của họ vứt hết đi."
   Tôi tiếp lời: "Kiến thức dạy trong trường phổ thông là tinh hoa của nhân loại. Cuộc sống luôn thay đổi theo hình sóng biển hướng lên cao hơn. Học tập cách người ta thu thập kinh nghiệm của loài người và cách truyền thụ cho thế hệ sau bằng sách vở, bằng cách diễn giải hoặc dạy nghề. Đó là việc của nhà sư phạm chân chính. Không học hỏi người khác trước hết giáo viên không phải là giáo viên chứ đừng nói là giáo viên biết làm khoa học."
  Rất nhiều người, trong đó có những nhà sư phạm nổi tiếng, cả cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cựu bộ trưởng bộ GD Hà Học Trạc, cựu thứ thưởng bộ GD giáo sư Hoàng Tụy... đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho lãnh đạo bộ GD-DT trong vòng 20 năm nay, đặc biệt là của những người biên soạn sách giáo khoa từ năm 2000. Tiếc rằng những góp ý ấy không được chấp nhận cho nên giáo dục đang xuống cấp khiến cho nguồn nhân lực Việt Nam đang làm nền kinh tế sa sút cùng nền đạo đức suy thoái.
   Một người bạn cùng học thời sinh viên gọi điện báo tôi đi hội lớp. Tôi hỏi thì dược biết toàn khóa học của chúng tôi sẽ gặp gỡ nhưng không có thầy cô giáo nào đến dự vì ban tổ chức không muốn  mời. Tôi đề nghị trong chương trình gặp gỡ sẽ bàn về ngày kỷ niệm 50 năm tựu trường; hôm đó phải mời bằng được các thầy cô giáo đã dạy chúng tôi  nếu mà họ có thể đến dự được. Tôi kể rằng đầu năm 1996, khi lớp 10 D của chúng tôi họp mặt. Tôi đề nghị năm sau phải mời bằng được thầy Quỳnh chủ nhiệm lớp tôi từ năm lớp 8, dù ngày xưa thầy không ưa tôi, cho tôi hạnh kiểm trung bình, không cho tôi vào danh sách đi học đại học ở nước ngoài. Năm sau, khi tôi đến dự hội lớp hơi muộn thì chính thầy lại là người đứng ở cửa đón tôi, sau đó kéo tôi ngồi gần bắt tôi kể về việc nghiên cứu ở Ba Lan, đi giúp bà con ở Tây Nam Bộ làm nhà vượt lũ, tự tạo nước sạch khi bị lụt. Bà bạn thời sinh viên của tôi đồng ý và đề nghị tôi sẽ phát biểu mở màn về việc mời các thầy cô giáo cũ đến dự.
  Buổi tối, rất vô tình khi mở máy tính tôi lại thấy ảnh tôi đứng ôn chuyện ngày xửa ngày xưa với thầy Nguyễn Phúc Thuần. Năm 1975, đất nước hòa bình. Tôi xin được học tiếp năm thứ tư đại học vì khi tôi tốt nghiệp trường mới chỉ có chương trình ba năm. Là thượng úy, giảng viên Học viện Hậu cần nên tôi chỉ có thể học hàm thụ. trong kỳ thi tốt nghiệp, buổi kiểm tra môn Điện động lực học. Giáo viên vừa đọc: "Một điện tử bay từ xa vô cùng đi vào tâm quả cầu bằng đồng..." tôi giơ tay phát biểu và đứng dậy nói: " Đề bài sai cơ bản. Điện tử chỉ bay được tới mặt quả cầu chứ không thể đi vào tâm quả cầu..." Hôm đó thầy Thuần, người ra đề  không có mặt ở nơi thi. Tất cả vẫn làm theo đề thi đã đọc, còn tôi cũng làm bài thi nhưng chỉ để điện tử bay tới mặt quả cầu kèm lời giải thích. Một tháng sau tôi được báo môn thi đó tôi vẫn được 9 điểm. Tai sao rất nhiều giáo viên không thể như thầy Thuần, thầy Quỳnh của tôi? Đấy mới là các thầy.


Cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và cựu thứ thưởng bộ giáo dục Giáo sư Hoàng Tụy nói chuyện về cải cách giáo dục.

Thầy Nguyễn Phúc Thuần gặp lại cậu cựu sinh viên thường xuyên ngủ gật trong lớp của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét