Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

“Đáp án đề thi Vật lý 2011 không đúng thực tế”

Thông tin về đề thi tốt nghiệp môn Vật lý năm 2011:
“Đáp án đề thi Vật lý 2011 không đúng thực tế”
Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2011 đã kết thúc. Tuy nhiên, sau khi môn vật lý thi xong, báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh thông tin về đáp án câu hỏi số 13 mã đề 642 đề thi môn này không đúng thực tế từ TS. Nguyễn Văn Khải. Đề tìm hiểu thông tin này, PV báo Giáo dục Việt nam đã có buổi tiếp xúc với TS. Nguyễn Văn Khải.
Không có đáp án đúng?
Gặp chúng tôi, ông vừa cầm trong tay 1 thanh sắt vừa nói: “Vật lý là khoa học thực nghiệm, theo đáp án của Bộ GD – ĐT, tôi sẽ làm thực nghiệm để xem đáp án này có đúng với thực tế không? Theo đáp án: vật rắn được nung nóng đến nhiệt độ cao sẽ phát ra quang phổ liên tục. Vậy thế nào là nhiệt độ cao? Khi que sắt để vào bếp lửa nóng 450oC thì vẫn thấy màu nâu đen. Hơn 500oC một ít thì có màu đỏ. Thậm chí trong lò nấu gang 1600oC thì đến màu vàng trắng. Đó không phải là quang phổ liên tục”. Đó là ví dụ của ông Khải để chứng tỏ vật rắn khi nung nóng cũng chưa phát ra quang phổ liên tục như trong đáp án D của câu hỏi số 13 mã đề 642 môn Vật lý.
Để chỉ ra đáp án của Bộ GD – ĐT chưa đúng ở điểm chất lỏng khi được nung nóng cũng phát xạ phổ liên tục giống như đáp án C đã cho trong câu hỏi 13 của mã đề này, ông Khải dẫn chứng: “Laze màu phát ra quang phổ đám không liên tục, đủ các màu. Như vậy, chất lỏng ở nhiệt độ cao cũng có thể không phát xạ phổ liên tục”.
Và cuối cùng để chỉ ra đáp án A và đáp án B chưa đúng, ông Khải lập luận thêm: “ Chất khí ở áp suất thấp, khi ở nhiệt độ cao thì thành ra ở áp suất cao. Như vậy trong đề thi, đáp án A trùng với đáp án B. Điều này tuân theo định luật Sác- lơ: P = Po(1 + γt)”.
Lý giải thêm cho việc khi nung nóng chất khí ở áp suất cũng có thể không cho quang phổ liên tục theo như đáp án của câu số 13 mã đề 642 đề thi tốt nghiệp môn Vật lý, TS Khải nói tiếp: “ Tôi dùng Thủy ngân, Cadimi, Telua (các nguyên tố hóa học-PV) để chế tạo đầu thu laze dù ở nhiệt độ nào, Thủy ngân cũng chỉ phát ra vạch màu tím, còn màu lá cây và màu vàng là quang phổ phát xạ của thủy tinh đựng hơi Thủy ngân. Và hàng ngày chúng ta đi đường thấy đèn đường cho ánh sáng màu vàng đấy là đèn cao áp Natri áp suất trong bóng hơn chục át-mốt-phia (Đơn vị đo áp suất-PV), mà nhiệt độ trong bóng cao hàng nghìn độ, chỉ cần sờ vào chao đèn đã thấy nóng như thế nào. Như vậy khi nung nóng chất khí ở áp suất cao cho quang phổ vạch”.
Kiến thức trong câu hỏi không đúng SGK?
“Đề bài cho là “bị nung nóng đến nhiệt độ cao” là không phù hợp, vậy thế nào là nhiệt độ cao? Nhiệt độ cao là bao nhiêu? Nước uống ở 100oC thì là cao, nhiệt độ không khí 40o là cao, sấy hoa quả ở 80oC là cao…”. Ông Khải vừa lấy ví dụ vừa chỉ các định nghĩa trong Sách giáo khoa Vật lý 12 cả chương trình cơ bản và nâng cao cho PV thấy: “ Trong SGK, phần nguồn phát ra quang phổ liên tục không hề có chữ “đến nhiệt độ cao””.
Như vậy theo TS. Nguyễn Văn Khải, đáp án trong câu 13 thuộc mã đề 642 đề thi tốt nghiệp môn Vật lý năm 2011 là không đúng thực tế và với câu hỏi này, nếu trả lời theo thực tế thì sẽ không có đáp án duy nhất. Và với những từ ngữ trong đề thi, câu hỏi này có kiến thức không đúng như trong SGK trình bày- tài liệu vẫn được cho là đáng tin cậy nhất để học sinh học theo về mặt học thuật.

Kết thúc buổi làm việc với chúng tôi, ông nói với giọng tâm huyết: “Tôi không muốn góp ý đề thi năm nay vì đã rất nhiều lần các đề thi từ huyện, trường, tỉnh, Trung ương đều sai nhưng góp ý người ta không thay đổi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét